Những kiều dân Pháp đến Hà nội, mang theo nỗi nhớ quê hương thông qua những biệt thự theo phong cách địa phương Pháp thanh lịch
BOIS INDOCHINE: TƯ VẤN THIẾT KẾ KIẾN TRÚC VÀ NỘI THẤT PHONG CÁCH INDOCHINE ĐÔNG DƯƠNG

Những kiều dân Pháp đến Hà nội, mang theo nỗi nhớ quê hương thông qua những biệt thự theo phong cách địa phương Pháp thanh lịch

Những kiều dân Pháp đến Hà nội, mang theo nỗi nhớ quê hương thông qua những biệt thự theo phong cách địa phương Pháp thanh lịch

Cuối thế kỉ 19, khi thực dân Pháp mới đặt chân đến Hà nội, cảnh quan thành phố khác xa với những gì chúng ta thấy ngày hôm nay. Trước đó, trong hồi kí của những thương nhân châu Âu, khu phố cổ Hà nội được miêu tả là những con đường chật hẹp không có vỉa hè với nhà cửa san sát sát hai bên. Còn hồ Gươm bị vây quanh bởi hàng loạt những túp lều lụp xụp của dân bản xứ và cùng với những đống rác thải ngập ngụa đến mức người ta khó lòng có thể tiếp cận xuống mép nước.

Từ năm 1884, chính quyền thực dân tiến hành xây dựng cải tạo thành phố với tham vọng biến Hà nội trở thành một tủ kính trưng bày cho sức mạnh và sự giàu sang của đế quốc Pháp. Năm 1887, cùng với việc xóa bỏ nhà lá và làm đường ven hồ Gươm, trú sứ Bonnal cho lát gạch hai bên vỉa hè của phố Tràng Tiền. Đây là con đường huyết mạch ở thời điểm bấy giờ và cũng là con đường hiện đại đầu tiên của thành phố Hà nội. Chính con đường này là tiền đề cho sự phát triển của khu phố mới phía Nam hồ Hoàn Kiếm, vốn dĩ là vùng đất đầy các ao hồ và các làng mạc người Việt.

biệt thự theo phong cách địa phương Pháp thanh lịch
Bản đồ Hà nội đầu tiên do Phạm Đình Bách vẽ năm 1873

Chính quyền thực dân xây dựng khu phố Pháp ở phía Nam hồ Hoàn Kiếm theo những ô phố dạng bàn cờ, kết hợp với những đường xiên và những quảng trường, vốn là đặc trưng của những thành phố châu Âu thế kỉ 19. Về phần mình, hồ Hoàn Kiếm sau khi được giải tỏa nhà tranh và rác rưởi nghiêm nhiên trở thành một trung tâm của thành phố, đóng vai trò chuyển tiếp mềm mại giữa hình thái đô thị vuông vắn của phố Pháp phía Nam lên những ô phố Việt phi chuẩn phía Bắc. Trong khu phố Pháp, người ta xây dựng một lưới đường trực giao rộng đến 30m với các ô phố có kích thước 150m. Tất cả theo đúng những nguyên tắc quy hoạch đô thị mà Eugene Haussmann đã sử dụng ở Paris giữa thế kỉ 19. Nếu như ở Paris, Haussmann phải khéo léo cân bằng dự án cải tạo của mình trong bối cảnh một thành phố có sẵn thì các quan chức chính quyền thực dân ở Hà nội lại có điều kiện phóng tay trên một vùng đất mới. Các đại lộ lớn kết thúc bằng một quảng trường rộng và đánh dấu mốc bằng một công trình công cộng hoành tráng tạo hiệu ứng sân khấu như quảng trường Nhà hát lớn, quảng trường nhà triển lãm (nay là cung văn hóa hữu nghị Việt Xô), ga tàu hỏa, dinh toàn quyền (nay là khu lăng chủ tịch Hồ Chí Minh), khu tòa án.

biệt thự theo phong cách địa phương Pháp thanh lịch
Thành phố bồng bềnh trong biển cây.

Trong khi ở khu phố cổ, những vỉa hè khá chật chội, gần như không có hoặc rất ít cây trồng thì ở khu phố Pháp, vỉa hè được thiết kế rộng rãi, có chiều ngang từ 3-5m với hàng cây trồng sát mép đường cách đều nhau 8m. Không chỉ để làm đẹp cho con đường, những hàng cây này còn có tác dụng cản bớt gió trong khu vực. Những loại cây đầu tiên xuất hiện trong khu phố Pháp là phượng, me, sữa, sấu, gạo và cơm nguội. Trong số đó, cây phượng và me được du nhập từ Madagascar. Sau này xuất hiện thêm những loài cây trồng đô thị khác như xà cừ, lim, muồng, bằng lăng tím, đa và điệp vàng. Trong cuốn “Thống kê cây xanh Hà nội giai đoạn 1910-1911” của Prades, ở Hà nội lúc này có khoảng 40 loại cây xanh được trồng hai bên đường phố. Prades cũng đưa ra những nguyên tắc trồng cây cơ bản ở Hà nội mà sau này được áp dụng như thay cây nhội và xoan (rất phổ biến ở giai đoạn này vì có tán rộng) bằng cây cơm nguội, trồng bàng ở các đại lộ lớn, trồng phượng phải cách xa công trình. Có những con phố gắn chặt với đặc điểm của cây trồng trên đó, như phố Phan Đình Phùng với hai hàng cây trên vỉa hè, phố Lò Đúc với hàng sao đen đều thẳng tít tắp, phố Nguyễn Du với mùi hoa sữa đến nao lòng. Nhìn những bức không ảnh được chụp giai đoạn 1930, ta có thể thấy những công trình kiến trúc nhô lên bồng bềnh trong trong biển cây đô thị. Không chỉ có cây, trên vỉa hè những phố rộng còn trồng cỏ tự nhiên. Không như hiện nay, ngày trước trên vỉa hè chỉ có 1 lối đi lát gạch chỉ rộng khoảng 2m nằm giữa, hai bên là 2 dải cỏ sát mép đường và sát mép hàng rào. Hai mảng cỏ xanh này kết nối của cây xanh, thảm cỏ và những khu vườn sau hàng rào tạo ra một khung cảnh lãng mạn cho thành phố. Mãi sau này đến những năm 80 của thế kỉ 20, phần vỉa hè này mới được lát gạch toàn bộ. Tuy sạch sẽ, tiện dụng nhưng không còn người ta cái cảm giác thư thái đi tản bộ trong vườn.

biệt thự theo phong cách địa phương Pháp thanh lịch
Cây xanh trên đường Hùng Vương

Ngày nay thật khó có thể hình dung ra một Hà nội mà thiếu đi hình ảnh của những hàng cây xanh đường phố, những vườn hoa và những công viên rợp bóng. Cùng với những tiện ích đô thị khác như xe kéo, đèn đường, cột điện thì sự xuất hiện của những hàng cây dọc vỉa hè chính là những dấu hiệu đầu tiên cho sự chuyển mình của Hà nội thành một thành phố hiện đại. Trái ngược lại với những hàng cây trước kia tán rộng nhưng mọc chậm thì ngày nay nhiều công trình mới xây dựng, để tiết kiệm thời gian người ta đã trồng cây dừa trên đường phố hoặc trong khuôn viên. Dáng dừa mập mạp, cao thẳng lừng lững, tán nhỏ, lá sắc nhọn, thiếu đi cái phong thái thân mật, nhẹ nhàng của cây xanh Hà nội cũ.

biệt thự theo phong cách địa phương Pháp thanh lịch
Sự biến đổi của một biệt thự trên phố Trần Quốc Toản

Phong cách kiến trúc biệt thự thời thuộc địa ở Hà nội cũng rất đa dạng. Khởi đầu từ những công trình kiến trúc đơn giản kiểu trại lính do các kĩ sư công binh xây dựng, người Pháp nhanh chóng chuyển sang phong cách Tân cổ điển hoành tráng xung quanh hồ Hoàn Kiếm ở giai đoạn đầu của quá trình thuộc địa. Một thời gian sau đó, những kiều dân Pháp đến Hà nội, mang theo nỗi nhớ quê hương thông qua những biệt thự theo phong cách địa phương Pháp thanh lịch khu vực Ba Đình, Quán Thánh. Đến thập niên 30, những biệt thự đơn giản theo phong cách kiến trúc Hiện đại xuất hiện xung quanh hồ Thiền Quang theo mạch phát triển giai đoạn này. Cùng với đó là sự ra đời của những công trình theo trào lưu kiến trúc Đông Dương kết hợp những chi tiết mái châu Á gần gũi. Nhưng cho dù công trình xây dựng theo phong cách gì thì người ta cũng cố gắng dung hòa với bối cảnh khí hậu và cảnh quan chung của Hà nội. Tường gạch xây dày 40 chịu lực khiến cho công trình mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Hiện nay, ngoại trừ những công trình đang được các cơ quan ngoại giao sử dụng, phần lớn các công trình biệt thự thời Pháp thuộc biến đổi gần như hoàn toàn, mà theo giáo sư Hoàng Đạo Kính, muốn phục dựng hình hài cũ, phải dụng đến công cụ mổ xẻ kết hợp với tài phán đoán của nhà khảo cổ.

biệt thự theo phong cách địa phương Pháp thanh lịch
Hàng rào và cổng của hai biệt thự trên phố Tô Hiến Thành

Ranh giới của các biệt thư thuộc địa Pháp là lớp hàng rào được thiết kế chỉnh chu, khá cầu kì và kiểu cách, ăn nhập với kiến trúc của công trình. Đây là một yếu tố phổ biến ở các đô thị phương Tây thế kỉ 19 và được người Pháp ứng dụng tại Hà nội. Dạng cơ bản của lớp hàng rào này là tường thấp, xây gạch, phía trên là rào sắt trang trí hoa văn hoặc motif bê tông đúc theo theo đúng kiến trúc công trình. Dạng rào sắt thì đa dạng hơn, từ phức tạp kiểu Barocque, đến trang nghiêm kiểu Tân cổ điển, mềm mại tự nhiên hoa lá cành kiểu Art nouveaux hoặc vuông vắn kiểu Art Déco (vốn là thứ tân thời hiện đại thời bấy giờ). Mặc dù đa dạng vể kiểu dáng nhưng nhìn chung lớp rào là thóang, để người đi đường thấy được cái không gian phía sau hàng rào là sân, là tiền sảnh, là ngôi nhà. Điển hình như kiểu phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, mặt phố trồng cùng lọai cây thẳng tắp, kế đến lớp hàng rào cao mà thóang, đều tăm tắp suốt cả con đường. Từ đó, đường phố nhìn cũng rộng hơn, nhà cửa cũng trang nghiêm và đường bệ hơn.

biệt thự theo phong cách địa phương Pháp thanh lịch
Cổng sắt với hoa tiết truyền thống ở cổng một biệt thự trên phố Nguyễn Quang Bích

Nói đến hàng rào ta không thể không nhắc đến cổng sắt của các ngôi biệt thự. Do nhà biệt thư ngày trước tòan dân Tây, hoặc ít là cũng là công chức hoặc tư sản giàu có người Việt, nên nhà nào cũng có ô tô, hoặc tệ lắm là xe kéo. Cổng sắt thường trang trí cầu kì hơn hàng rào, cũng để thóang. Xuyên qua rào là khỏang sân nhỏ, vừa để khách đến có dịp chiêm ngưỡng cơ ngơi của người chủ, vừa để người ở trong nhà đi ra nhận biết được khách là ai. Trên cả cái mặt đứng của biệt thự, nhiều cổng nhà nổi lên như một thứ điểm nhấn của thiết kế. Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế đã gọi những chi tiết kim loại này bằng một thuật ngữ rất đáng yêu “những hàng mi sắt của Hà nội” Một số ít công trình không thích để rào thóang thì người ta sẽ trồng phía sau hàng rào kiên cố là rặng cây ngang tầm mắt người, hoặc dâm bụt hoặc ô rô, vừa xanh vừa đủ để tạo sự riêng tư, ngăn cách mà không xa cách, nhang nhác gợi lại kiểu nhà dân dã ngày trước của làng xóm Việt.

Sau thời mở cửa, khi Hà nội nhộm nhoạm buôn bán vỉa hè, khi biệt thự được chia ra làm nhiều chủ, thì hàng rào lại thường bị bịt lại. Thông thường nhất là buộc luôn một tấm tôn vào phía sau của rào sắt hoặc tệ hơn là xây bịt luôn lại bằng gạch. Tấm tôn lại được sơn cùng màu với rào sắt, trông chìm hẳn đi những họa tiết thiết kế trau truốt của hàng rào. Phố xá dường như nhỏ bớt lại, nhà cửa tự dưng thấy tù túng, xa cách hẳng ra. Thỉnh thoảng những người Hà nội cũ, đi qua một góc phố, chạm vào một gốc cây, nhìn lại một bức ảnh cũ lại thở dài mà nhớ về một cái thời chưa xa lắm.

Nguyễn Mạnh Trí/báo Hà nội mới

Đăng nhận xét

0 Nhận xét