“Phố Phái” là từ mà người dân yêu Hà Nội thường nghĩ đến tranh về phố cổ của họa sĩ Bùi Xuân Phái.
Hà Nội trong tranh vẫn còn nguyên vẹn nét dung dị đời thường, lặng lẽ và lâu bền trong từng nét bút của ông.
Không còn nhiều những bức ảnh về Hà Nội xưa, tranh của Bùi Xuân Phái là tất cả những gì mà ta còn trọn vẹn nhất, sống động nhất về Hà Nội, về nét đẹp của hồn phố, hồn người…
Sinh ra và lớn lên ở Hà thành, họa sĩ tài ba này đã trở thành một phần máu thịt, một người bạn tri âm trong từng góc phố, mái nhà, từng con đường nhỏ… Ông vẽ tranh không chỉ để tái hiện nét văn hóa “thanh lịch” của người Hà Nội mà còn mang đến cho hậu thế cái nhìn sâu sắc hơn về kiến trúc Hà Nội xưa.
Bùi Xuân Phái vẽ tranh về từng con phố Hà Nội bằng nỗi niềm riêng, bằng tâm tư riêng của một người con của mảnh đất Hà thành. Ông đã sống, đã đi qua những tháng ngày thăng trầm trên mảnh đất thân yêu này, để nghiệm lại cuộc đời và trải hồn mình qua hàng trăm bức tranh về Hà Nội. Thưởng tranh ông, người ta không chỉ thấy một Hà Nội cổ kính từ xa xưa hiện về, người ta còn thấy được tấm lòng của ông gắn liền với từng “mái nhà dưới nắng vàng nghiêng nghiêng hàng dương liễu” (Trần Thụ).
Một trong những đặc trưng của kiến trúc phố cổ Hà Nội là nhà cổ. Những ngôi nhà cổ mọc san sát nhau, mái ngói nghiêng, đầy rêu phong, những mảng tường vôi lở, những ô cửa nhỏ đợi chờ, những cột điện đầu ngõ xiêu vẹo, những vỉa hè lát gạch chạy dọc khắp các con phố nhỏ….
Giá trị phong cách kiến trúc nhà ở độc đáo của một Hà Nội cổ là kiểu nhà ống, một phong cách đặc trưng cho đô thị cổ Việt Nam. Nhà ống ở khu phố cổ Hà Nội bé nhỏ và bình dị. Nhà như một cái ống, bề ngang hẹp, chiều dài sâu có khi thông ra một ngõ khác, phố khác. Vì diện tích bề rộng nhô ra mặt phố hẹp nên ông cha ta đã tận dụng bề dài sâu vào trong, sáng tạo một kiểu nhà thích hợp, có nơi bán hàng, nơi ở, nơi thờ phụng, nơi sinh hoạt cá nhân hết sức khoa học.
Một đặc điểm nổi bật nữa mà ít ai biết đến trong kiến trúc nhà cổ Hà Nội, đó là những gác xép đầy thú vị trong mỗi ngôi nhà nơi đây. Dường như, mỗi ngôi nhà cổ Hà Nội đều có một gác xép. Gác xép cũng tạo nên một nét văn hóa độc đáo cho cuộc sống đời thường của người dân Hà thành xưa. Trong tâm thức mỗi người Hà Nội đều có một phần hình ảnh của gác xép, gác xép của mỗi gia đình thường để tạo một không gian riêng, rất riêng để ngồi trầm tư, ngắm cảnh phố phường qua ô cửa nhỏ.
Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân viết: “Hà Nội rất hội họa ở những phố phường xưa. Và có thể nói công bằng, theo cách của nghệ thuật rằng, Bùi Xuân Phái đã phát hiện ra nó. Là người Hà Nội, hình như ông được sinh ra để gắn bó, để cảm hóa chúng ta về một thế giới thể hình và màu sắc của riêng đây. “Phố Phái” là phố của chung tất cả mọi người, ông chỉ là người đầu tiên phát hiện ra nó – người đầu tiên và sau ông, hình như vẫn chưa có ai, dù đã có rất rất nhiều họa sĩ say mê đi tìm vẻ đẹp nơi rêu phong phố cổ”.
Cái tên Bùi Xuân Phái gắn liền với những nét vẽ phiêu diêu trên từng con phố Hà Nội. Sẽ không quá lời khi khẳng định rằng, không ai có thể thay vị trí của ông trong mảng tranh phố cổ Hà Nội, bởi lẽ, chưa kể sự tài hoa của ông, mấy ai còn cơ hội chiêm ngưỡng những dãy phố Hà Nội xưa cũ, mái ngói liêu xiêu, nâu trầm đậm màu thời gian để có thể cảm xúc sáng tác như ông ngày xưa.
nguồn: Nguyễn Thị Thanh Thuỷ
XEM THÊM:
HỌA TIẾT TRONG MỸ THUẬT AN NAM
HỌA TIẾT TRONG MỸ THUẬT AN NAM: HỌA TIẾT TRANG TRÍ HÌNH KỶ HÀ Thực khó phân loại cho rõ ràng văn tự các họa tiết (motifs) trang trí vì chính các nghệ sĩ, thợ nề, nhà điêu khắc và cả những người chuyên nghiệp cũng không thống nhất thuật ngữ dùng cho chúng
Những hoạ sĩ nổi tiếng với dòng tranh đông dương. Danh họa Việt Nam Họa sĩ trường Mỹ Thuật Đông Dương
Những hoạ sĩ nổi tiếng với dòng tranh đông dương. Danh họa Việt Nam Họa sĩ trường Mỹ Thuật Đông Dương. Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tiền thân là Trường Mỹ thuật Đông Dương thuộc Viện Đại học Đông Dương, là một trường đại học hàng đầu của Việt Nam
Cố họa sĩ Nam Sơn được đặt tên phố
Phố Nam Sơn dài 1.250m, rộng 9-15m, đoạn từ ngã ba giao cắt với phố Hoàng Liệt tại chợ Xanh đến ngã ba giao cắt phố Nguyễn Phan Chánh tại Lô BT01 khu bán đảo Linh Đàm. Trong khuôn khổ bài viết này tôi xin giới thiệu về họa sĩ Nam Sơn
0 Nhận xét