KIẾN TRÚC ĐÔNG DƯƠNG LÀ GÌ?
SỰ HÌNH THÀNH
Quân Pháp hạ thành Gia Định vào năm 1859 và bắt đầu bắt tay xây dựng Nam Kỳ Lục Tỉnh thành bàn đạp để tiến chiếm cả Đông Dương. Sau khi ổn định tương đối chế độ thực dân của mình ở Việt Nam, từ năm 1887 người Pháp bắt đầu tiến hành chương trình khai thác thuộc địa Đông Dương lần thứ nhất. Đây cũng là thời gian mà nhiều đô thị lớn nước ta bắt đầu được mở rộng và qui hoạch lại theo những nguyên tắc và quan niệm về đô thị thịnh hành ở Pháp lúc bấy giờ.
Năm 1919, ở chính quốc Pháp, đạo luật Cornudet, xác định ý tưởng mới cho sự phát triển các đô thị ở chính quốc và thuộc địa, cùng với sự có mặt của các chuyên gia đô thị và kiến trúc là các kiến trúc sư – đô thị gia. Ý hướng xây dựng nhà cửa kết hợp được kỹ thuật mới phương Tây với phong cách nghệ thuật bản địa cùng điều kiện khí hậu nhiệt đới bắt đầu xuất hiện.
Ở Đông Dương, toàn quyền Pháp Maurice Long cho thành lập bộ phận quy hoạch đô thị trực thuộc Sở Thanh Tra Công chính ở Hà Nội. Kiến trúc sư – đô thị Ernest Hébrard khá nổi tiếng của Pháp đứng đầu cơ quan này và bắt tay chỉnh trang lại các đô thị ở Đông Dương.Và ông cũng là người đề xướng cho một phong cách kiến trúc mới, kết hợp các nét Âu- Á mang tên trào lưu “Kiến trúc phong cách Đông Dương”. Đây là sự hỗn dung văn hóa truyền thông bản địa với kỹ thuật xây dựng phương Tây cùng điều kiện khí hậu nhiệt đới. Tự bản thân phong cách là một trào lưu tiên tiến, có tính chất đổi mới và ý thức giữ gìn tinh hoa văn hóa bản địa cùng sự quan tâm đến vị trí của công trình trong điều kiện khí hậu nhiệt đới.
Trào lưu kiến trúc phong cách Đông Dương chấm dứt vào đầu thập niên 1970 khi hướng sáng tác kiến trúc ở Sài Gòn nghiêng hẳn về hướng Hiện đại quốc tế với các kiến trúc sư được đào tạo từ Pháp, Mỹ về cùng lớp người được đào tạo trong nước trong những năm 1960-1970.
ĐẶC ĐIỂM KIẾN TRÚC
Kỹ thuật và vật liệu xây dựng:
Sử dụng rộng rãi kỹ thuật và liệu xây dựng mới như hệ khung bêtông cốt thép chịu lực, khung thép tiền chế, sành sứ nhiều màu, ngói ardoise (đá xám chẻ), gạch caro. Các phương tiện kỹ thuật mới khá tiên tiến được áp dụng như: cột thu lôi, đèn điện, cổng sắt uốn.
Giải pháp kiến trúc:
Áp dụng các giải pháp thông thoáng, cách nhiệt để phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới như bố trí các dãy hành lang, dàn pergola rộng rãi chạy dọc theo công trình. Trên phần tường sát trần thường bố trí các lam gió để tạo sự thông thoáng và lấy sáng cho không gian bên trong. Đa số các công trình được bố trí thêm các sân trong, giếng trời để tăng sự thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên.
Mái:
Sử dụng mái bằng (đối với các công trình lớn) hoặc mái lợp ngói ( đối với các công trình nhỏ hơn). Mái ngói thường nhô ra xa để che nắng mưa, có bố trí các “khu đĩ” để tạo sự thông thoáng cho phấn bên trong. Xuất hiện các sênô thu nước mưa chạy dọc theo mái. Một số công trình sử dụng dạng mái vút cong ở các góc, mái chồng diêm theo kiểu kiến trúc truyền thống, có hoa văn trang trí ở đỉnh mái và các góc cong của mái.
Cửa:
Bố trí nhiều cửa trên tường công trình. Cửa sổ cao, mở rộng để tăng sự thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên. Các công trình sử dụng phổ biến kiểu cửa lá sách, đảm bảo được sự thông gió tự nhiên cho không gian bên trong ngay cả trong lúc đóng. Cửa sổ không chỉ được bố trí trên tường công trình, mà còn được bố trí phía ngoài hành lang, đặc biệt là hành lang ở những phía chịu sáng trực tiếp của mặt trời.
Trang trí:
Sử dụng rộng rãi các môtíp trang trí với màu sắc, kiểu dáng đa dạng.
Các môtíp trang trí Việt – Hoa như:
“lưỡng long chầu nguyệt”, pháp vân, lân sư, rồng phụng, cỏ cây hoa lá…
Các môtíp trang trí kiểu Khmer – Chăm như:
rắn naga, hoa Mạn đà la, chữ viết…
Các môtíp trang trí kiểu Phục hưng, cổ điển Pháp như:
lan can con triện, gờ chỉ, tranh tượng, phù điêu, hoa lá, các thức cột…
Có lúc còn pha trộn cả những phong cách thời thượng của thế giới lúc bấy giờ như Art Nouveau, Art Déco.
Thực tế xây dựng cho thấy trào lưu phong cách Đông Dương do chính người việt kế thừa cuối cùng đã chia ra thành hai hướng. Một hướng sa đà vào chủ nghĩa hình thức, nhân danh truyền thống, để rơi vào kiểu hoài cổ, phục cổ. Hướng khác, tích cực và sáng tạo hơn, tìm kiếm một phong cách hiện đại Việt Nam cho nền kiến trúc mới hòa nhập với trào lưu quốc tế hóa ở Việt Nam. Đó là các công trình Thư viện Quốc gia Sài Gòn của KTS Nguyễn Hữu Tthiện và Dinh Độc Lập của KTS Ngô Viết Thụ. Đây chính là sự kế thừa đúng theo tinh thần của phong cách kiến trúc Đông Dương trong giai đoạn nền kiến trúc Việt nam đã chuyển sang phong cách kiến trúc mới, mà các nhà nghiên cứu quốc tế gọi chung là “Phong cách hiện đại nhiệt đới Đông Nam Á” những năm 1960-1970
CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
Giai đoạn trước Chiến tranh thế giới thứ nhất:
Phong cách chưa được khởi xướng, nhưng đã sớm xuất hiện một công trình tiêu biểu, đó là Trụ sở công ty vận tải biển Messageries Maritime, nay là Bến Nhà Rồng- Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến:
Phong cách chính thức được khởi xướng, bắt đầu từ kiến trúc sư Ernest Hébrard. Về sau, phong cách này kết hợp với kiến trúc Hiện đại quốc tế, Nghệ thuật mới, Art Déco, cùng với kết hợp sử dụng các môtíp trang trí Chăm , Khmer… Đây là giai đoạn phát triển cao, có nhiều công trình tiêu biểu của phong cách kiến trúc Đông Dương.
Giai đọan từ sau 1954 đến đầu thập niên 1960:
Hoàn cảnh lịch sử chia cắt của đất nước năm 1954 đã đưa một số kiến trúc sư lớp Mỹ thuật Đông Dương khá nổi tiếng ở Hà Nội vào Nam: Võ Đức Diên, Nguyễn Gia Đức, Nguyễn Mạnh Bảo…Yêu cấu to lớn về việc xây dựng lại sau chiến tranh đã thúc đẩy các hoạt động sáng tác kiến trúc và xây dựng khá sôi nổi sau năm 1954 ở Sài Gòn.
Giai đoạn từ sau thập niên 1960:
Phong cách kiến trúc Đông Dương chấm dứt vào đầu thập niên 1970 khi hướng sáng tác kiến trúc bị ảnh hưởng bởi hướng Hiện đại quốc tế.
nguồn bài viết: Nguyen Thai Hoa
XEM THÊM:
Dòng chảy lịch sử trong những công trình kiến trúc Đông Dương
Người đặt nền móng phong cách thiết kế Đông Dương đầu tiên tại Việt Nam là kiến trúc sư Ernest Hebrard. Phong cách kiến trúc Đông Dương (Indochine) là sự kết hợp giữa phong cách Việt Nam và kiến trúc cổ điển Pháp. Ông đã tạo nên dấu ấn vàng son
Phong cách kiến trúc Đông Dương qua từng thời kỳ từ cổ điển đến hiện đại
Phong cách kiến trúc Đông Dương qua từng thời kỳ từ cổ điển đến hiện đại Lịch sử hình thành phong cách Đông Dương Indochine Quân Pháp chiếm thành Gia Định năm 1859 mở đường cho việc thành lập Đông Dương thuộc Pháp. Dưới thời đế quốc Pháp
The tonkin: đưa kiến trúc Đông Dương vào đô thị hiện đại
The tonkin: đưa kiến trúc Đông Dương vào đô thị hiện đại. Tái hiện kiến trúc Indochine giữa lòng “thành phố quốc tế” Được giới kiến trúc gọi bằng những cái tên mỹ miều như “nụ hôn kiểu Pháp trên môi cô nàng Á Đông”, “Bản giao hưởng Đông – Tây
THAM KHẢO NỘI THẤT KIẾN TRÚC ĐÔNG DƯƠNG SANG TRỌNG- KHÁCH SẠN INDOCHINE PALACE HUẾ
THAM KHẢO NỘI THẤT KIẾN TRÚC ĐÔNG DƯƠNG SANG TRỌNG- KHÁCH SẠN INDOCHINE PALACE HUẾ Tọa lạc tại trung tâm thành phố Huế, nằm cách đó chưa đến 2 km là các điểm tham quan địa phương bao gồm Cầu Trường Tiền, Chợ Đông Ba và Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế
Các Công Trình Kiến Trúc Đông Dương Tại Quận 1 Sài Gòn
Các Công Trình Kiến Trúc Đông Dương Tại Sài Gòn hầu hết đều nằm tại quận 1 HCM. Cách đây hơn 100 năm, người Pháp đã mang tới sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc cổ điển Pháp với giải pháp kiến trúc mang yếu tố bản địa để hình thành
0 Nhận xét