Cố họa sĩ Nam Sơn được đặt tên phố
BOIS INDOCHINE: TƯ VẤN THIẾT KẾ KIẾN TRÚC VÀ NỘI THẤT PHONG CÁCH INDOCHINE ĐÔNG DƯƠNG

Cố họa sĩ Nam Sơn được đặt tên phố

Phố Nam Sơn dài 1.250m, rộng 9-15m, đoạn từ ngã ba giao cắt với phố Hoàng Liệt tại chợ Xanh đến ngã ba giao cắt phố Nguyễn Phan Chánh tại Lô BT01 khu bán đảo Linh Đàm.

Trong khuôn khổ bài viết này tôi xin giới thiệu về họa sĩ Nam Sơn và một phần về họa sĩ Joseph Inguimberty, cả 2 ông đều có mặt từ ngày đầu mở Trường Mỹ Thuật Đông Dương cùng với họa sĩ Victor Tardieu. Năm 1920, họa sĩ Pháp Victor Tardieu được Giải thưởng Đông Dương( Prix de l’Indochine), đã sang Việt Nam một năm để sáng tác, được đài thọ mọi sinh hoạt, rồi lại trở về Pháp trưng bày tác phẩm…

Victor Tardieu đi thăm Hà Nội, tới Câu lạc bộ (CLB) sinh viên An Nam (Club des étudiants annamites tại số 9 Phố Vọng Đức) gặp Nam Sơn đang trang trí giúp CLB, Victor Tardieu thấy Nam Sơn một họa sĩ trẻ có tài, phong cách khá vô tư hay giúp đỡ mọi người nên đã kết bạn hữu.

Bức tranh Nhà nho xứ Bắc của cố hoạ sĩ Nam Sơn

Bức tranh Nhà nho xứ Bắc của cố hoạ sĩ Nam Sơn

Nam Sơn là người tiếp xúc với nghệ thuật từ nhỏ nhờ vào sự học với cụ Sỹ Đức và cụ Phạm Như Bình, và tìm hiểu các phong cách hội họa qua sách báo nước ngoài tại Việt Nam lúc bấy giờ. (Ông có thể sử dụng chữ nho và chữ Pháp như tiếng Việt). Thấy Tardieu chú ý đến nghệ thuật bản địa, ông Nam Sơn dẫn Tardieu đi thăm các đền chùa, đình, miếu, danh lam thắng cảnh, giới thiệu lối vẽ lụa, vẽ trên giấy Tuyên Chỉ (thấm nước) mà ông được học từ xưa để Tardieu hiểu thêm về nền văn hóa mấy nghìn năm của dân tộc mình. Kính trọng tài năng của Tardieu và nhờ sự giúp đỡ của họa sĩ người Pháp này mà ông Nam Sơn có thêm nhiều kiến thức hội họa Âu châu.

Victor Tardieu được chính quyền Hà Nội lúc bấy giờ đặt sáng tác một tranh sơn dầu khổ lớn (80m2 ), nhất Đông Nam Á, vẽ lên vải để dán lên tường đại giảng đường Trường Y khoa (Lê Thánh Tông, Hà Nội ), cùng một tác phẩm sơn dầu cho sảnh cầu thang tại Thư viện Quốc gia Hà Nội nữa.

Tiếp xúc nhiều với hội họa Âu châu, Nam Sơn nghĩ phải đưa hội họa Âu châu vào Việt Nam, đào tạo những con người chăm chỉ và thông minh trở thành các họa sĩ có thêm những nhận thức hội họa mới. Ông ngỏ ý với Tardieu, nhưng Tardieu cho rằng sơn dầu là môn vẽ đặc biệt của người Âu, người Việt Nam chỉ quen vẽ lụa, vẽ trên giấy Tuyên chỉ với các chất liệu khác. Nhưng ngay sau đó, năm 1923, Nam Sơn đã vẽ bức “Nhà nho xứ Bắc “, chân dung cụ Nguyễn Sỹ Đức, làm cho Victor Tardieu phải ngạc nhiên. Bức sơn dầu rất đẹp, có cả hiệu ứng (effet) thoáng mờ (clair obscur) như các danh họa thời Phục Hưng.

Với ý nghĩ đó, ông Nam Sơn luôn nhắc với họa sĩ Victor Tardieu về ý tưởng mở Trường, và chính ông đã viết đề cương vào năm 1923. Có vẻ như mưa dầm thấm lâu, Victor Tardieu đã chấp nhận đề nghị của Nam Sơn rồi trao đổi với Bộ Mỹ thuật Paris, chính quyền Đông Dương, và Nghị định của Toàn quyền Merlin ra đời cuối năm 1924, đã cho phép thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Sau đó, theo quyết định của Toàn quyền, Nam Sơn đã cùng Victor Tardieu sang Pháp theo Mission Tardieu (Công vụ Tardieu) để tuyển mộ giảng viên và mua sắm họa cụ cho Trường Mỹ thuật dự kiến khai giảng vào tháng 10/1925.

Tại Paris, Nam Sơn tranh thủ tu nghiệp thêm tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris (Xưởng vẽ của họa sư Jean P. LAURENS) và Trường Quốc gia Trang trí Paris (Xưởng vẽ của danh họa Félix Aubert), nơi họa sĩ Joseph Inguimberty theo học.

Tuy nhiên, tháng 10/1925, Victor Tardieu bị ốm, phải vào bệnh viện. Hai ông: Nam Sơn và J. Inguimberty trở về Việt Nam và lo việc thi tuyển sinh đầu tiên, ra đề thi, trông thi, chấm thi cho 272 thí sinh toàn Đông Dương tại một trường Mỹ thuật đầu tiên của Đông Nam Á. Họa sĩ J. Inguimberty trong thời gian ở Việt Nam cũng đã sáng tác nhiều bức tranh rất đẹp (chủ yếu là đời sống con người và phong cảnh của làng Kim Liên) được giới phê bình Pháp chú ý, gọi đó là những áng thơ.

Hình ảnh Việt Nam trong tranh Joseph Inguimberty.

Lứa sinh viên đầu tiên đó của Trường như: Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Lê Phổ, Trần Văn Cẩn, Công Văn Trung, Dương Bích Liên, Nguyễn Gia Trí… (mà tranh của họ giờ đây giá trị ở ngưỡng triệu đô và hơn thế nữa).

Chuyện coi thi của họa sĩ Nam Sơn cũng rất đáng nhắc lại: Số là, thí sinh Công Văn Trung gửi hồ sơ dự thi, nhưng hồ sơ lạc sang tận Pháp rồi quay lại, chậm mất một ngày. Họa sĩ Nam Sơn cùng cộng sự của mình tổ chức cho Công Văn Trung thi riêng, nghiêm túc như thi chính, đúng quy định. Công Văn Trung đỗ thứ 5 với điểm trang trí 18/20. Các họa sĩ hồi đó kể rằng, Nam Sơn đã nói: “Làm thế thì rất mệt, nhưng nếu không làm thì biết đâu bỏ lỡ cơ hội cho một tài năng…”. Và đúng như lời tiên đoán ấy, họa sĩ Công Văn Trung sau này là một danh họa, không chỉ giỏi về đồ họa mà còn giỏi về kiến trúc và là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam.

Hẳn không ít người đã đi qua ngôi nhà 68 phố Nguyễn Du, một ngôi biệt thự đẹp nhất nhì Hà Nội (do KTS Nguyễn Cao Luyện thiết kế trên lô đất do họa sĩ Nam Sơn mua) có mặt tiền nhìn ra hồ Thiền Quang, và một cạnh nhìn vào phố Liên Trì. Tại đây, họa sĩ để phòng vẽ rộng 80m2 cao 8m với những tấm kính lớn (điều rất hiếm vào hồi đó), để có thể nhìn ra không gian rộng lớn dễ dàng đón được cảm hứng sáng tạo. Nghe nói đàn bà con gái không được vào. Cũng nhiều người sẽ nhớ cái nhà nhỏ ở cạnh ngôi nhà ấy là hiệu gốm Chi nổi tiếng, một người bà con với cụ Nam Sơn, ở nhờ…

Họa sĩ Nam Sơn đã được đặt tên cho con phố mới của Hà Nội.

Họa sĩ Nam Sơn đã được đặt tên cho con phố mới của Hà Nội.

Kỹ sư điện Nguyễn An Kiều là con út của cụ Nam Sơn, giờ cũng đã ở tuổi bát thập, có thời gian làm việc ở Pháp, thường đến chơi với chúng tôi mỗi lần về Việt Nam ở tòa soạn ngày tôi chưa nghỉ hưu. Giờ thì ông An Kiều đã ở hẳn Việt Nam và rất chăm chỉ giàn giữ khôi phục những gì của cha mình – cụ Nam Sơn để lại.

Ngoài các lần giỗ của gia tộc, giỗ cha (cụ Nam Sơn mất năm 1973 tại nơi ở của mình, 68 Nguyễn Du, khi cụ tròn 83 tuổi và đang là Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Tạo hình Việt Nam) ông An Kiều hằng năm không bao giờ quên làm giỗ ông Victor Tardieu và khấn bằng tiếng Pháp. (Ông Victor Tardieu, vị Hiệu trường Trường Mỹ Thuật Đông Dương qua đời tháng 6/1937 tại Bệnh Viện Saint Paul, Hà Nội).

*

Hội họa Việt Nam, có thể nói, được khai sáng, được ảnh hưởng mạnh mẽ hội họa thế giới, và từ đó ra đời rất nhiều tên tuổi lớn nhỏ làm rạng danh đất nước mở đầu bằng sự đào tạo của Trường Mỹ Thuật Đông Dương. Người làm nghệ thuật hay công chúng thụ hưởng nghệ thuật luôn tri ân những người khai sáng như Victor Tardieu và họa sư Nam Sơn, cũng nhớ đến những người thầy như J.Inguimberty.

Tháng 6, để tưởng nhớ các ông đó, tôi xin viết bài này và đưa lại một vài tác phẩm của họ!

Nguồn: Trần thị Trường Danviet.vn

XEM THÊM:

Chương Trình Nội Thất Không Giới Hạn: Indochine Nơi Bản Sắc Giao Thoa.

MC talk với khách mời của chương trình: Nhà thiết kế – Hoạ sĩ Phạm Hùng Lâm – Nhà sáng lập Bois Indochinois. Bois Indochinois, một cái tên tiêu biểu tại Việt Nam về phong cách nội thất Đông Dương. Là một người nghệ sỹ, ông luôn nhìn mọi sự vật và tổng thể

HỌA TIẾT TRONG MỸ THUẬT AN NAM

HỌA TIẾT TRONG MỸ THUẬT AN NAM: HỌA TIẾT TRANG TRÍ HÌNH KỶ HÀ Thực khó phân loại cho rõ ràng văn tự các họa tiết (motifs) trang trí vì chính các nghệ sĩ, thợ nề, nhà điêu khắc và cả những người chuyên nghiệp cũng không thống nhất thuật ngữ dùng cho chúng

Những hoạ sĩ nổi tiếng với dòng tranh đông dương. Danh họa Việt Nam Họa sĩ trường Mỹ Thuật Đông Dương

Những hoạ sĩ nổi tiếng với dòng tranh đông dương. Danh họa Việt Nam Họa sĩ trường Mỹ Thuật Đông Dương. Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tiền thân là Trường Mỹ thuật Đông Dương thuộc Viện Đại học Đông Dương, là một trường đại học hàng đầu của Việt Nam

Cố họa sĩ Nam Sơn được đặt tên phố

Phố Nam Sơn dài 1.250m, rộng 9-15m, đoạn từ ngã ba giao cắt với phố Hoàng Liệt tại chợ Xanh đến ngã ba giao cắt phố Nguyễn Phan Chánh tại Lô BT01 khu bán đảo Linh Đàm. Trong khuôn khổ bài viết này tôi xin giới thiệu về họa sĩ Nam Sơn

Đăng nhận xét

0 Nhận xét