Thiết kế nội thất nhà liền kề mặt phố, Hiện đại hay truyền thống?
Có rất nhiều phong cách trong thiết kế nội thất đã tồn tại và phát triển trong nhiều năm và được toàn thế giới công nhận. Tuy nhiên, ở mỗi địa phương thì có thể có những phong cách nội thất riêng mang đặc trưng văn hóa của vùng miền. Phong cách nội thất cho căn nhà liền kề mặt phố này là một điển hình, đó là sự kết hợp hài hòa của truyền thống và hiện đại, giữa sự tinh tế và mộc mạc . Ngôi nhà được mang lối thiết kế hiện đại, được lồng ghép với những hoa văn, những chi tiết mang âm hưởng dân gian. Những chi tiết ấy, tưởng chừng là nhỏ nhặt, là tiểu tiết, nhưng lại mang cho căn nhà một sắc thái nội thất riêng biệt, biến nơi đây trở thành một không gian gần gũi nhưng cũng hết sức độc đáo và hiện đại.
Không gian đầu tiên khi bước vào căn nhà liền kề mặt phố này là khu vực bếp. Tổng thể khu vực bếp vô cùng hài hòa và tối giản. Màu gỗ nâu sẫm kết hợp cùng màu đen của đá hoa cương và màu vàng ấm của gạch khiến cho căn bếp có thêm phần ấm áp. Phần thiêt kế bếp được chăm chút khá tỉ mỉ, từ vị trí xếp đặt cho tới lựa chọn các yếu tố chức năng dành cho khu vực bếp. Có thể thấy, mọi thứ đều rất gọn gàng, đầy đủ tiện nghi.
Hoa văn trên tủ được lựa chọn là các ô vuông và ô chữ nhật, tại các vị trí điểm nhấn và các vị trí cần thông thoáng khí của hộc bếp và hộc để đồ phía trên. Dụng ý tinh tế của nhà thiết kế là vừa tạo cho khu vực tủ không bị thô cứng do sự liền mạch của các khối gỗ, lại vừa phù hợp với mục đích sử dụng của gia chủ. Vị trí thiết kế của khu vực bếp được tính toán khoa học : tủ lạnh sẽ được sắp xếp gần với khu vực cửa ra vào để tiện cho việc lấy và cất đồ, phần bếp nấu sẽ cách xa khu vực tủ lạnh để tránh cho sức nóng làm ảnh hưởng trực tiếp đến tủ, và sau khi lấy đồ từ tủ ra, trước khi nấu, sẽ phải rửa sạch qua bồn rửa ở giữa.
Nhà thiết kế mang đến cho nhà liền kề theo phong cách hiện đại đan xen truyền thống, Bois.vn chọn cách mang hơi thở tự nhiên và dân gian vào căn bếp và khu vực bàn ăn.
Ngoài ra, có thể thấy hoa và tranh treo tường được vẽ theo phong cách dân gian, đơn giản nhưng hiệu quả. Bức tranh đồng quê có màu chủ đạo là màu vàng, không chỉ gợi lên hình ảnh đẹp, khiến gia chủ mường tượng lại những kỉ niệm trong quá khứ, mà còn giúp căn phòng trở nên ấm áp và có chiều sâu hơn. Được ví như trái tim của căn nhà, sự ấm áp chính là điều mà căn bếp cần.
Phần tủ rượu này đặc biệt có hoa văn tương tự với phần ghế ngồi của bàn ăn để tạo thành một tổng thể hài hòa không thể rời mắt. Cùng với đó, hông sai khi nói rằng, nếu thiếu đi đèn trần thì khu vực bàn ăn sẽ không giữ được sự hài hòa trong thiết kế của kiến trúc sư. Đèn trần đặc biệt được lựa chọn cụm đèn treo, với khung viền gỗ tạo cảm giác phóng khoáng nhưng lại trầm ấm.
Do đặc thù nhà liền liền kề mặt phố không có nhiều không gian trên cùng một mặt phẳng, nên phòng khách được đặt trên tầng ba của căn nhà. Để tổng thể căn nhà trở nên hợp nhất, nhà thiết kế lựa chọn sàn gỗ tự nhiên cùng với tông màu của khu vực bếp. Với phần đèn trần, nhà thiết kế đã lựa chọn đèn vuông, cách điệu với hệ trang trí gỗ tạo sự trong sáng và thân thiện. Các họa tiết đèn trần vẫn được giữ lựa chọn là các ô hình họa tiết chữ vạn biến thể.
Bộ bàn ghế chính giữa phòng khách với viền tay vịn làm bằng các ô ngang vuông giúp cho phần gỗ không bị cứng nhắc và nặng nề, lại tạo cảm giác sang trọng cho toàn bộ khu vực này. Điều đặc biệt trong việc sử dụng gỗ của nhà thiết kế chính là việc lựa chọn thiết kế thi công đóng mộng, khung truyền thống. Thiết kế này luôn tạo cho gia chủ sự chắc chắn và lâu bền khi sử dụng nội thất.
Tận dụng phần cột, không gian riêng của gia chủ và điểm nhấn cho phòng khách chính là phần giá để đồ phía bên trái bàn trà. Thiết kế giá để đồ đơn giản, nhiều các thanh gỗ sắp xếp, làm cho phần giá để đồ nhẹ nhàng, không bị cứng nhắc và phù hợp với phong cách thanh mảnh của cả căn phòng.
Đèn trang trí được thiết kế là một đèn cây cao và một chiếc đèn bàn cũng là một dụng ý trong thiết kế nội thất phòng khách. Cách bày trí này vừa giúp gia chủ tạo được ánh nhìn độc đáo, mới vẻ, vừa mang lại cho phòng khách sự hiện đại và tinh tế. Chân đèn cũng được thiết kế tỉ mỉ bằng khung vát có hoa văn chữ X.
Phần luôn không thể thiếu trong phòng khách đó là khu vực kệ ti vi. Với kệ ti vi tối giản với tủ bốn hộc và bốn ngăn kéo, chiếc kệ này thực sự rất hữu dụng, vừa đựng đồ vừa mang tính trang trí. Cùng với đó, có thể thấy kệ tivi không quá cứng nhắc nhưng lại là khối nối liền kiến trúc với lại khu vực bàn tiếp khách. Thiết kế hơi cong của phần mép bàn và phần tay vịn ghế đã góp phần giúp tổng thể căn phòng thêm hài hòa.
Phần giá sách trang trí lựa chọn họa tiết giống như chiếc đèn cao dài phía bên trái ghế sofa gỗ , sử dụng chính là việc ghép mộng các thanh gỗ thẳng, thanh cong và các bản gỗ dài nằm ngang để tạo thành khung giá sách.
Và khu vực cuối cùng trong thiết kế của chúng tôi tại ngôi nhà liền kề mặt phố này chính là phòng thờ Theo tín ngưỡng Á Đông, khu vực thờ cúng luôn cần gọn gàng, sạch sẽ, thoáng mát và đặt tại vị trí cao nhất. Hiểu được điều đó, gia chủ đã lựa chọn tầng cao nhất của căn nhà cho khu vực này.
Chất liệu gỗ truyền thống phát huy hoàn toàn điểm mạnh trong khu vực phòng thờ. Nó mang lại cảm giác vừa sang trọng, vừa có chút hoài cổ. Tôn trọng yếu tố phong thủy và các yêu cầu của việc thờ cúng, nhà thiết kế chia làm 3 phần: khu vực phía tường, khu vực bàn chính điện và khu vực bày biện.
Khu vực phía tường là khung gỗ nẹp cách điệu, mang chút dấu ấn từ các cung điện Á đông ngày xưa dành cho vua chúa, giống như là một thế giới biệt lập với cuộc sống hiện tại, thanh cao hơn và tôn nghiêm hơn. Khu vực bàn chính điện là một chiếc bàn cao, với chân gỗ , thoáng phía dưới, có phần thành bàn cong để đỡ các đồ thờ cúng. Khu vực bày biện , là một tủ gỗ tách biệt không liền khối, đảm bảo việc thờ cúng không ảnh hưởng tới khu vực bàn chính điện phía trên. Hai đôn gỗ nhẹ tạo hình bằng các thanh gỗ thẳng được nhà thiết kế dùng để trang trí hai bình ngọc bích phía hai bên khu vực thờ.
Phần giá sách này cũng được thi công đặc biệt áp tường theo phương pháp đóng mộng khung truyền thống nên rất chắc chắn và bền. Để không gian này được tách biệt với không gian thờ cúng, nhà thiết kế đã sắp xếp thêm một bộ bàn ghế gỗ và phần tranh trang trí tông màu sáng giúp không gian trở nên mở hơn và năng động hơn.
Đối với nhà liền kề, kiến trúc hiện đại trở nên phù hợp và bắt mắt. Tuy nhiên điểm khác biệt sẽ nằm ở chính nhưng yếu tố đan xen tinh tế giữa truyền thống và hiện đại mà nhà thiết kế và gia chủ muốn lồng thêm cho căn nhà của mình.
0 Nhận xét